Cách tính giá thành sản phẩm/ dịch vụ

Thứ bảy - 10/11/2018 23:38
Hướng dẫn cách tính giá thành sản phẩm, dịch vụ. Thực hành tính giá thành sản phẩm dịch vụ trên misa.
Kế toán giá thành
Kế toán giá thành

Kế toán giá thành sản phẩm công nghiệp/ dịch vụ


Để tính giá thành sản phẩm công nghiệp/ dịch vụ gồm các bước sau.
Bước 1: Kế toán chi phí
Bước 2: Tổng hợp chi phí sản xuất và kết chuyển giá thành.
Bước 3: Kiểm kê xác định sản phẩm dở dang.
Bước 4: Tính giá thành theo phương pháp định mức - tỷ lệ.
Bước 5: Tính giá thành trên MISA.

 Bây giờ chúng ta đi chi tiết từng bước một.

 

Bước 1: Kế toán chi phí.

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS 01-02-03-04, VAS-01 : Chuẩn mực chung; VAS-02: Chuẩn mực Hàng tồn kho; VAS-03: Chuẩn mực TSCĐ hữu hình; VAS-04: Chuẩn mực TSCĐ vô hình.
Có một số lưu ý như sau:
​​​​​​Chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí sản xuất cho mỗi đơn vị sản phẩm được dựa trên công suất bình thường của máy móc. Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra cao hơn côn suất bình thường thì CPSX chung cố định được phân bổ hết cho mỗi đơn vị sản phẩm. Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định chỉ được phân bổ vào chi phí sản xuất cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản không được phân bổ ghi nhận vào chi phí sản xuất trong kỳ.

Ví dụ: Chi phí SX cố định là tiền thuê kho, tiền trích khấu hao TSCĐ hàng tháng là 1 tỷ. Công suất bình thường của DN A hàng tháng là 1 triệu sản phẩm. Tháng 10 DN A sản xuất được 1 triệu sản phẩm. Tháng 11 DN A sản xuất được 1.5 triệu sản phẩm. Tháng 12 DN A sản xuất được 0.8 triệu sản phẩm.
  • Tháng 10 và 11 DN A phân bổ toàn bộ chi phí 1 tỷ vào từng sản phẩm. Cụ thể tháng 10 mỗi sản phẩm được phân bổ: 1.000đ/sản phẩm
  • Tháng 11 phân bổ CPSX cố định: 666.67đ/ sản phẩm.
  • Tháng 12 phân bổ CPSX cố định theo mức công suất thường: 1.000đ/ sản phẩm. Số không được phân bổ ( 1tỷ - 0.8 triệu*1.000 = 0.2 tỷ) này hạch toán vào chi phí 632. Tại sao lại vậy, vì đối với DN A, tháng đó làm việc không hiệu quả. Khoản chi phí này không tính vào giá thành mà tính vào chi phí để ban quản trị xử lý tại sao lại vượt định mức. Nếu kế toán hạch toán vào giá thành khiến giá thành đội cao giảm năng lực cạnh tranh, chính sách giá sai sót. Mà lỗi nằm ở bộ phận sản xuất không tiết kiệm chi phí làm tăng hao phí.
  • Về chi phí sữa chữa TSCĐ, nếu chi phí sửa chữa và bảo dưỡng TSCĐ hữu hình nhằm khôi phục, duy trì khả năng sản xuất ban đầu thì tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ. Nếu chi phí này làm tăng công suất, nâng cấp TSCĐ, tiết kiệm chi phí, … làm tăng lợi ích kinh tế thì ghi tăng nguyên giá TSCĐ đó.
 

Kế toán chi phí Nguyên liệu, vật liệu trực tiếp : Tài khoản 621

a.Xuất nguyên liệu (NL), vật liệu (VL) sử dụng cho hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ ( như sửa chữa otô, dịch vụ y tế…)
Nợ TK 621- CP NL, VL trực tiếp
     Có TK 152- Nguyên liệu, vật liệu

b.
Mua nguyên liệu, vật liệu về sử dụng ngay không qua kho phục vụ cho sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ.
Nợ TK 621 – Chi phí NL,VL trực tiếp chưa thuế GTGT
Nợ TK 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
     Có TK 331, 112, 111…


c.Trường hợp NL,VL xuất ra nhưng không dùng đến/ không sử dụng/ bị hỏng/ kỳ sau không dùng nửa phải nhập lại kho.
Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
     Có TK 621- CP NL,VT trực tiếp


d.Cuối kỳ kế toán kết chuyển trực tiếp hoặc phân bổ gián tiếp ghi:
Nợ TK 154 – Chí phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 – Gía vốn hàng bán ( phần chi phí NVL trực tiếp vượt trên mức bình thường)
     Có TK 621 – CP nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.

 

Kế toán chi phí nhân công trực tiếp:

Nhân công trực tiếp bao gồm nhân viên trực tiếp trong nhà máy, phân xưởng, trực tiếp sản xuất, chế tạo ra sản phẩm, dịch vụ. (công nhân sản xuất, công nhân đứng máy, côn nhân phụ, nhân viên phục vụ sản xuất..)
Chi phí nhân công trực tiếp bao gồm cả: tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ, các khoản phụ cấp độc hại, chức vụ, ăn giữa ca…


a.Cuối tháng căn cứ vào bảng phân bổ tiền lương ghi nhận:
Nợ TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp (CPNCTT)
     Có TK 334 – Phải trả nhân viên


b.Căn cứ vào bảng phân bổ tiền lương BHXH, BHYT, BHTN….
Nợ TK 622 -  CPNCTT
     Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác ( 3382,3383,3384,3386)


c.Khi công nhân sản xuất nghỉ phép, ngừng sản xuất theo kế hoạch
Nợ TK 335 – Chi phí phải trả
     Có TK 334 – Phải trả nhân viên


d.Cuối kỳ tính toán, phân bổ và kết chuyển
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 – Gía vốn hàng bán ( Chi phí nhân công vượt trên mức bình thường)
     Có TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp
Về trích trước tiền lương nghỉ phép như mục (c ):
Trong sản xuất, ở công ty có số lượng nhân viên lớn, tiền lương nghỉ phép ảnh hưởng đáng kể đến giá thành. Nếu không có kế hoạch nghỉ phép thì những ngày nghỉ lễ tết vẫn phải trả lương cho nhân viên nhưng số ngày làm việc ít, và kéo theo số sản phẩm sản xuất ra ít. Vì tiền lương không đổi thậm chí tăng do thưởng lễ tết, mà số lượng sản phẩm giảm sẽ làm giá thành đội lên, làm thay đổi lợi nhuận của tháng đó.
Quy định của luật thuế TNDN về trích trước tiền lương như sau:
Tại khoản 2.5.c Điều 6, Thông tư số 78 / 2014 / TT - BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

“c) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.

Trường hợp năm trước doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương thì doanh nghiệp phải tính giảm chi phí của năm sau.

Ví dụ 9: Khi nộp hồ sơ quyết toán thuế năm 2014, DN A có trích quỹ dự phòng tiền lương là 10 tỷ đồng, đến ngày 30/06/2015 (đối với trường hợp doanh nghiệp áp dụng kỳ tính thuế theo năm dương lịch), DN A mới chi số tiền từ quỹ dự phòng tiền lương năm 2014 là 7 tỷ đồng thì DN A phải tính giảm chi phí tiền lương năm sau (năm 2015) là 3 tỷ đồng (10 tỷ - 7 tỷ). Khi lập hồ sơ quyết toán năm 2015 nếu DN A có nhu cầu trích lập thì tiếp tục trích lập quỹ dự phòng tiền lương theo quy định”.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp Công ty thực hiện trích lập quỹ dự phòng tiền lương thì mức trích lập không vượt quá 17% quỹ tiền lương thực tế đã thực chi trả đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN theo quy định.

>>> Xem ngay Hướng dẫn trích trước lương nghỉ phép theo đúng luật.

Kế toán Chi phí sản xuất chung - TK 627

Chi phí sản xuất chung là các khoản chi phục vụ sản xuất phát sinh ở cấp độ phân xưởng và tương đương, như nhà máy, phòng sản xuất, đội, trạm…gồm: lương cán bộ, nhân viên quản lý phân xưởng, khoản trích BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ; khấu hao TSCĐ; thuê tài sản; công cụ dụng cụ; chi phí sửa chữa thường xuyên; mua ngoài…
Tài khoản chi tiết: gồm 6 tài khoản cấp 2 để theo dõi. Nếu doanh nghiệp muốn quản trị chi tiết hơn thì tạo thêm TK cấp 3.
TK 6271 – Chi phí nhân viên phân xưởng: Phản ánh các chi phí về tiền lương, các khoản trích theo lương của cán bộ, nhân viên phân xưởng.
TK 6272 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu: Phản ánh chi phí vật liệu xuất dùng chung cho phân xưởng.
TK 6273 – Chi phí dụng cụ sản xuất
TK 6274 – Chi phí khấu hao TSCĐ
TK 6277 – Chi phí dịch vụ mua ngoài: tiền điện, tiền nước, điện thoại,… dùng cho sản xuất và quản lý phân xưởng.
TK 6278 – Chi phí bằng tiền khác

Kế toán các nghiệp vụ phát sinh như sau:

a.Khi trích tiền lương, công, phụ cấp, ….
Nợ TK 6271 – Chi phí nhân viên phân xưởng
     Có TK 3341 – Phải trả người lao động


b.Khi trích BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ….
Nợ TK 6271 – Chi phí nhân viên phân xưởng
     Có TK 338 – Phải trả phải nộp khác ( 3382,3383,3384,3386)


c.Xuất nguyên vật liệu dùng sửa chữa, bảo dưỡng như dầu nhớt, đinh ốc, hàn, gas…
Nợ TK 6272 – Chi phí nguyên vật liệu
     Có TK 152 – Nguyên liệu vật liệu


d.Xuất dụng cụ sử dụng có giá trị nhỏ: Cờ lê; mỏ lết; búa; kiềm….
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung
     Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ


e.Khi xuất công cụ dụng cụ có giá trị lớn (dưới < 30 triệu đồng) thuộc loại phân bổ như: ròng rọc, xà lan, v.v.
Nợ TK 242 – Chi phí trả trước
     Có TK 153 -  Công cụ, dụng cụ
Khi phân bổ CCDC vào chi phí sản xuất chung, ghi:
Nợ TK 6273 – Chi phí dụng cụ sản xuất
     Có TK 242 – Chi phí trả trước


f.Trích khấu hao máy móc, thiết bị, băng chuyền, nhà xưởng, … thuộc bộ phân xưởng, tổ, đội sản xuất.
Nợ TK 6274 -  Chi phí khấu hao TSCĐ
     Có TK 214 – Hao mòn TSCD


g.Chi phí mua ngoài (điện, nước, điện thoại, thuế sửa máy móc, …) phục vụ tại phân xưởng.
Nợ TK 6277 – Chi phí dịch vụ mua ngoài
Nợ TK 1331 – Thuế GTGT được khấu (nếu có)
     Có TK 111, 112, 331..


h.Chi phí bằng tiền khác
Nợ TK 6278 – Chi phí bằng tiền khác
Nợ TK 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ nếu có
     Có TK 111,112, 331…


i.Các khoản giảm chi phí sản xuất chung ( thu lại tiền, thu lại nguyên liệu dùng dư, thu tiền phạt, thu tiền bồi thường…)
Nợ TK 138, 111, 112..
     Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung

 

Kế toán sửa chữa TSCĐ

a.Dự phòng phát sinh đối với sửa chữa lớn, có tính chu kỳ.
Nợ TK 627 – CPSXC
     Có TK 352 – Dự phòng phải trả
Khi phát sinh chi phí liên quan đến dự phòng
Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả
Nợ TK 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
     Có TK 111, 112, 331, 241


b.Trích trước chi phí sửa chữa TSCĐ mà đã lên kế hoạch sửa chữa, bảo trì, hoặc đã phát sinh nhưng chưa nhận được giấy báo, hóa đơn, chứng từ…
Nợ TK 2413, 627
     Có TK 335 -  Chi phí phải trả
Khi phát sinh chi phí liên quan đến khoản trích trước đã lập, ghi
Nợ TK 335 – Chi phí phải trả
Nợ TK 1331 -  Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
     Có TK 111, 112,331…
Khi công việc sửa chữa hoàn thành, nếu số phát sinh thực tế cao hơn số đã trích trước thì kế toán ghi:
Nợ TK 2413, 627
     Có TK 335 – Chi phí phải trả
Nếu số phát sinh nhỏ hơn số đã trích lập, ghi
Nợ TK 335 – Chi phí phải trả
     Có TK 2413,627

Kế toán các khoản thiệt hại trong sản xuất, như thiệt hại hư hỏng, thiệt hại ngưng hoạt động, thiên tai…
Nếu thiệt hại đó là thường xuyên và điều đó là tất yếu, thì công ty phải xây dựng định mức hư hỏng, và định mức đó tính vào giá thành. Nếu vượt định mức thì xử lý trách nhiệm từng bộ phận.


a.Kế toán thiệt hại như sau
Nợ TK 1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý
     Có TK 154, 155, 157, 334(nếu sản phẩm hư sửa chữa thì phụ cấp người lao động sửa chữa),….


b.Xử lý vi phạm
Nợ TK 111, 138, 334 (trừ lương), 152 (thu hồi phế liệu)….
     Có TK 1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý.
 

Phân bổ chi phí sản xuất chung

 
  • Chi phí sản xuất chung phải được phân loại và tập hợp riêng theo tiêu thức: chi phí sản xuất chung biến đổi và chi phí sản xuất chung cố định.
  • Chi phí sản xuất chung biến đổi được tính hết vào chi phí sản xuất, chi phí sản xuất chung cố định phải được phân bổ và hạch toán vào chi phí sản xuất cho mỗi đơn vị sản phẩm dựa trên công suất bình thường.
  • Trường hợp mức sản phẩm thực tế cao hơn công xuất bình thường thi chi phí sản xuất chung cố định được phân bổ cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.
  • Trường hợp mức sản xuất thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định chỉ được phân bổ vào chi phí sản xuất cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản không được phân bổ hạch toán vào giá vốn bán hàng TK 632 trong kỳ.
  • Nguyên tắc phân bổ CPSXC: thường phân bổ theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, hoặc nhân công trực tiếp, hoặc theo định mức... Doanh nghiệp có thể chọn cho mình một tiêu chí phân bổ sao cho hợp lý với quy trình sản xuất, chi phí giá thành đảm bảo phân bổ chính xác theo tỷ trọng không làm chênh lệch trọng yếu.
Ví dụ: Về phân bổ chi phí sản xuất chung
DN A sản xuất 2 sản phẩm: X và Y, Trong tháng 11 có phát sinh như sau
  • Sản phẩm X được 3 sản phẩm: Nguyên vật liệu chính: 90đ; nhân công 7đ;
  • Sản phẩm Y được 2 sản phẩm: Nguyên vật liệu chính: 80đ; nhân công 7đ;
  • Tháng 11 DN A phát sinh chi phí sản xuất chung là 100đ.
  • Ta thấy NVL chính chiếm tỷ trọng lớn nên chọn phân bổ theo NVL chính, thực tế một số công ty không hạch toán được nhân công cho từng loại sản phẩm, vì nhân công sản xuất chung cho tất cả sản phẩm (không theo dây chuyền sản phẩm).
  • Kết quả phân bổ theo NVL chính như sau.
  • Sản phẩm X : 80/(80+90)*100/3= 15đ/sp
  • Sản phẩm Y: 90/(80+90)*100/2 = 26đ/sp
 

Bước 2: Kết chuyển chi phí tính giá thành.

Tài khoản 154 phải được mở chi tiết cho từng đối tượng tập hợp chi phí hoặc đối tượng tính giá thành. Đối tượng tập hợp chi phí là :Phân xưởng sản xuất, Dây chuyền sản xuất, công đoạn sản xuất, hoặc dịch vụ, sản phẩm. Đối tượng tính giá thành là từng sản phẩm, dịch vụ, bán thành phẩm,.. cần tính giá thành.

a.
Cuối kỳ kết chuyển chi phí 621,622,627 cho từng đối tượng tập hợp chi phí, nếu không thể tách biệt thì phải phân bổ theo tiêu chí phù hợp.
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất kinhdoanh dở dang
      Có TK 621 – CP NVL trực tiếp
      Có TK 622 – CP NCTT
      Có Tk 627 – CPSXC

b.
Hư hỏng vượt định mức đang tìm lý do xử lý treo TK 1381, thu hồi phế liệu TK 152, Hư hỏng do nhân viên trừ lương TK 334, bán phế liệu không nhập kho 111,…
Nợ TK 152, 1381, 334 (trừ lương), 111…
      Có TK 154 -  CP SX KD dở dang

c.
Sản xuất xong bán thẳng
Nợ TK 632 – giá vốn hàng bán
      Có TK 154 – Chi phí sản xuất dởn dang

d.
Sản xuất xong thành phẩm nhập kho
Nợ TK 155 -  Thành phẩm
            Có TK 154 – Chi phí sản xuất dở dang

e.
Gửi hàng đi bán liền, không qua kho.
Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán
      Có TK 154 – Chi phí SX KD dở dang

 

Bước 3: Xác định sản phẩm dở dang cuối kỳ


Có nhiều phương pháp xác định dở dang cuối kỳ, sau đây là 4 phương pháp phổ biến.

1. Đánh giá sản phẩm dở dang theo chi phí sản xuất định mức

     Đánh giá sản phẩm dở dang theo chi phí sản xuất định mức trong trường hợp doanh nghiệp áp dụng hệ thống kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành theo định mức hoặc trường hợp doanh nghiệp đã xây dựng được hệ thống định mức chi phí hợp lý. Theo phương pháp này, kế toán căn cứ vào khối lượng sản phẩm dở dang đã kiểm kê ở từng công đoạn sản xuất, quy đổi theo mức độ hoàn thành của sản phẩm dở dang và định mức khoản mục phí ở từng công đoạn tương ứng cho từng đơn vị sản phẩm để tính ra chi phí định mức cho sản phẩm dở dang ở từng công đoạn, sau đó tổng hợp cho từng loại sản phẩm.
Ví dụ 1: Một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm C phải trải qua công đoạn chế biến liên tục. Doanh  nghiệp đã xác định định mức chi phí sản xuất chi 1 đơn vị sản phẩm C ở từng công đoạn chế biến như sau:
                                                                                                                  Đơn vị tính: Nghìn đồng
Khoản mục chi phí Chi phí định mức đơn vị
Công đoạn 1 Công đoạn 2 (gồm cả chi phí công đoạn 1 chuyển sang)
Chi phí NVLTT 12.000 12.000
Chi phí NCTT 4.000 7.000
Chi phí SXC 3.000 6.000
Cộng 19.000 25.000
 
Báo cáo kiểm kê và đánh giá mức độ hoàn thành:
- Công đoạn 1 còn 300 sản phẩm dở dang, mức độ hoàn thành 40%.
- Công đoạn 2 còn 200 sản phẩm dở dang, mức độ hoàn thành 80%.
Lời giải
Sản phẩm dở dang ở công đoạn 1:

Chi phí NVLTT = 12.000 x 300 =  3.600.000đ
Chi phí NCTT = 4.000 x 300 x 40% = 480.000đ
Chi phí SXC = 3.000 x 300 x 40% = 360.000đ
Tổng  = 4.440.000đ
 
Sản phẩm dở dang ở công đoạn 2:

Chi phí NVLTT = 12.000 x 200  = 2.400.000đ
Chi phí NCTT = (400 x 200)+ (700 – 400) x 200 x 80% = 1.280.000đ
Chi phí SXC = (3.000 x 200) x (6.000 – 3.000) x 200 x 80% =1.080.000đ
Tổng = 4.760.000đ
 
*  Theo quy định hiện hành về Luật thuế TNDN, các doanh nghiệp sản xuất bắt buộc phải xây dựng định mức chính của những sản phẩm chủ yếu nên hầu hết các doanh nghiệp xây dựng định mức sản xuất. Chính vì vậy, phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang theo chi phí sản xuất định mức là phổ biến. Trường hợp các doanh nghiệp chưa xây dựng được hệ thống định mức chi phí hợp lý thì có thể dựa trên chi phí sản xuất thực tế và tùy đặc điểm sản xuất của mình mà lựa chọn đánh giá sản phẩm dở dang theo chi phí vật liệu chính trực tiếp hoặc khối lượng hoàn thành tương đương.

2. Đánh giá sản phẩm dở dang theo chi phí nguyên vật liệu chính trực tiếp.

    Nội dung: Theo phương pháp này, sản phẩm dở dang cuối kỳ chỉ bao gồm chi phí nguyên vật liệu chính trực tiếp (hoặc chi phí vật liệu trực tiếp), còn các chi phí gia công chế biến tính cả cho sản phẩm hoàn thành.
    Điều kiện áp dụng: Áp dụng thích hợp ở doanh nghiệp có quy trình sản xuất đơn giản, có chi phí nguyên vật liệu chính trực tiếp chiếm tỷ lệ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất, chi phí vật liệu phụ và cá chi phí chế biến chiếm tỷ trọng không đáng kể. Công thức:
 
Giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ (DCK) = DĐK(VLC)  +  CVLC x QD
QTP  +  QD
 
Trong đó:
DĐK và DCK: Chi phí dở dang đầu kỳ và cuối kỳ.
CVLC: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp phát sinh trong kỳ.
QTP: Số lượng thành phẩm hoàn thành.

QD: Só lượng sản phẩm dở dang cuối kỳ.

Ví dụ 2: Một doanh nghiệp sản xuất, trong tháng sản xuất sản phẩm A có các số liệu sau đây:
- Chi phí sản xuất dở dang đầu tháng là 8.500.000đ
- Chi phí sản xuất trong tháng tập hợp được:
+ Chi phí NVLC trực tiếp: 39.500.000đ
+ Chi phí NCTT: 7.320.000đ
+ Chi phí sản xuất chung: 10.680.000đ
- Trong tháng sản xuất hoàn thành nhập kho 100 thành phẩm, còn 20 sản phẩm dở dang cuối kỳ.
Yêu cầu: đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ theo chi phí nguyên vật liệu chính trực tiếp.
Lời giải
     Chi phí sản xuất sản phẩm dở dang cuối kỳ theo chi phí nguyên vật liệu chính trực tiếp là:
                     
= 8.500.000+39.500.000  x 20 = 8.000.000đ
100  +  20
 

3. Đánh giá sản phẩm dở dang theo khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương.

       Nội dung: Theo phương pháp này thì sản phẩm dở dang trong kỳ phải chịu toàn bộ chi phí sản xuất theo mức độ hoàn thành, do đó khi kiểm kê sản phẩm dở người ta phải đánh giá mức độ hoàn thành sau đó quy đổi sản phẩm dở dang theo sản phẩm hoàn thành tương đương.
a. Doanh nghiệp có quy trình sản xuất đơn giản (1 giai đoạn)

 
Chí phí vật liệu chính trong sản phẩm dở dang cuối kỳ = DĐK(VLC)  +  CVLC x QD
QTP  +  QD
 
Chi phí vật liệu phụ, chi phí chế biến trong sản phẩm dở dang cuối kỳ = DĐK(VLP, CB)  +  CVLP, CB x Q’D
QTP  +  Q’D


 
Giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ (DCK) = Chi phí vật liệu chính trong sản phẩm dở dang cuối kỳ (DCK(VLC)) + Chi phí vật liệu phụ, chi phí chế biến trong sản phẩm dở dang cuối kỳ (DCK(VLP, CB))

                                                                                                                  
Ví dụ 3: Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm B. Trong tháng có số liệu như sau:
- Chi phí dở dang đầu kỳ gồm:
+ Chi phí NVL trực tiếp: 35.000.000đ
+ Chi phí NCTT: 6.200.000đ
+ Chi phí sản xuất chung: 9.300.000đ
- Chi phí sản xuất trong kỳ tập hợp được:
+ Chi phí NVL trực tiếp: 165.000.000đ
+ Chi phí NCTT: 47.800.000đ
+ Chi phí sản xuất chung: 71.700.000đ
 Trong tháng hoàn thành 1.600 sản phẩm B, còn lại 400 sản phẩm dở dang, mức độ hoàn thành 50%, chi phí nguyên vật liệu chính bỏ 1 lần ngay từ đầu của quy trình công nghệ (không có chi phí vật liệu phụ).
Yêu cầu: Đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ theo khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương.
Lời giải:
   Tính khối lượng sản phẩm dở dang ra khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương:
Q’D = QD   x   tỷ lệ hoàn thành của sản phẩm = 400 x 50% = 200 sản phẩm
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp:
 
= 35.000.000+165.000.000  x 400 = 40.000.000 đ
1.600  +  400
 
Chi phí nhân công trực tiếp:
 
= 6.200.000+47.800.000  x 200 = 6.000.000đ
1.600  +  200
 
Chi phí sản xuất chung:
 
= 9.300.000+71.700.000 x 200 = 9.000.000đ
1.600  +  200
 
Tổng cộng chi phí dở dang cuối kỳ:  = 55.000.000đ
- Ưu điểm: Độ chính xác cao.
- Nhược điểm:
+ Khối lượng tính toán nhiều.
+ Việc đánh giá mức độ hoàn thành trên dây chuyền khá phức tạp.

b. Doanh nghiệp có quy trình sản xuất nhiều giai đoạn.
    Nếu doanh nghiệp có quy trình công nghệ phức tạp kiểu liên tục sản xuất sản phẩm qua nhiều giai đoạn kế tiếp nhau thì từ giai đoạn 2 trở đi sản phẩm dở dang được đánh giá làm 2 phần: Phần giai đoạn trước chuyển sang thì đánh giá theo nửa thành phẩm bước trước chuyển sang và giai đoạn sau được tính cho sản phẩm dở dang theo sản lượng hoàn thành tương đương.
* Giai đoạn đầu giá trị sản phẩm dở dang được xác định như trường hợp quy trình sản xuất có 1 giai đoạn:
+ Chi phí vật liệu chính trong sản phẩm dở dang bằng:
 
DĐK(NTP)(n) + (ZNTP)(n-1) x QD(n) + DĐK(VLC) (n) + CVLC(n) x QD(n)
(QTP + QD (n) + QH (n)) ( QTP + QD (n) + QH (n))
 
+ Chi phí vật liệu phụ, chi phí chế biến trong sản phẩm dở dang bằng:
  
DĐK(NTP)(n) + (ZNTP)( n -1) x QD(n) + DĐK(VLP, CB) (n) + CVLP, CB(n) x Q’D(n)
(QTP + QD (n) + QH (n)) ( QTP + Q’D (n) + Q’H (n))
 
* Sản phẩm hỏng được chia làm hai loại: sản phẩm hỏng có thể sửa chữa được và sản phẩm hỏng không thể sửa và sản phẩm hỏng không thể sửa chữa được. Đối với sản phẩm hỏng có thể sửa chữa được doanh nghiệp sẽ phải bỏ thêm chi phí để sửa chữa; sau quá trình sửa chữa khắc phục, sản phẩm hỏng được chuyển thành sản phẩm.
   CS: Chi phí sửa chữa sản phẩm hỏng
   CH: Chi phí sản xuất sản phẩm hỏng
  Chi phí sửa chữa sản phẩm hỏng được tập hợp và hạch toán như chi phí sản xuất sản phẩm, việc tính chi phí sửa chữa sản phẩm hỏng và tính giá thành sản phẩm hoặc tính cho cá nhân làm hỏng bồi thường là tùy theo quyết định của doanh nghiệp.
   Chi phí sản xuất sản phẩm hỏng không sửa chữa được tính vào giá thành sản phẩm (nếu là hỏng trong định mức cho phép) hoặc tính cho cá nhân làm hỏng bồi thường, tính vào chi phí khác,… là tùy theo quyết định của doanh nghiệp.
   Chi phí sản xuất sản phẩm hỏng không sửa chữa được tính theo công thức sau:
- Trường hợp các doanh nghiệp có quy trình sản xuất đơn giản. Công thức:
 
Giá trị sản phẩm hỏng = DĐK(VLC) + C x QH
QTP + QH
 
C: Chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ.
- Trường hợp doanh nghiệp có quy trình sản xuất phức tạp qua nhiều giai đoạn chế biến, đánh giá sản phẩm dở dang theo phương pháp khối lượng tương đương, giá trị sản phẩm hỏng được xác định theo mức độ hoàn thành của sản phẩm hỏng:
Giai đoạn 1:

 
Chi phí vật liệu chính
trong sản phẩm hỏng
= DĐK(VLC)  +  C VLC x QH
QTP + QD + QH
 
Chi phí vật liệu phụ, chi phí chế biến trong sản phẩm hỏng = DĐK(VLP, CB) + CVLP, CB x Q’H
QTP + Q’D + Q’H

Giai đoạn sau (I = 2, n)
 
+ Chi phí vật liệu chính trong sản phẩm hỏng bằng:
 
DĐK(NTP)(n) + (ZNTP)(n-1)    x QH(n) + DĐK(VLC) (n) + CVLC(n)   x QH(n)
(QTP + QD (n) + QH (n)) ( QTP + QD (n) + QH (n))
 
+ Chi phí vật liệu phụ, chi phí chế biến trong sản phẩm hỏng bằng:
 
DĐK(NTP)(n) + (ZNTP)( n -1) x QH(n) + DĐK(VLP, CB) (n) + CVLP, CB(n)  x Q’H(n)
(QTP + QD (n) + QH (n)) ( QTP + Q’D (n) + Q’H (n))
 

Bước 4: Tính giá thành định mức – tỷ lệ

A.Bản chất tính giá thành:
Gía thành sản phẩm hoặc giá thành dịch vụ là tiền hao phí về lao động, nguyên vật liệu, chi phí sản xuất chung mà doanh nghiệp đã chi ra được tính cho số lượng sản phẩm (hoặc dịch vụ) đã hoàn thành ở một kỳ kinh doanh nhất định.
Tổng giá thành sản phẩm = Trị giá sản phẩm dở dang đầu kỳ + Chi phí phát sinh trong kỳ - Trị giá sản phẩm dở dang cuối kỳ
 
B.Phương pháp tính giá thành định mức – tỷ lệ
Có rất nhiều phương pháp tính giá thành: đơn giản, hệ số, tỷ lệ, định mức, phân bước…
  • Phương pháp đơn giản: Áp dụng cho DN quy trình khép kín, từ nguyên vật liệu vào sản xuất cho tới khi thành phẩm cho ra sản 1 sản phẩm, hoặc toàn bộ nguyên liệu đưa vào ta phân biệt được ngay từ khi đưa vào là nguyên liệu đó, số lượng bao nhiều, dùng để sản xuất sản phẩm nào.
Ví dụ: DN sản xuất thức uống  gồm: nước nha đam, sữa hạt sen, sữa bắp. Thì khi doanh nghiệp xuất kho 1 tấn bắp vào sản xuất ta biết ngay đó là để sản xuất sữa bắp, không phải sản xuất nha đam hay sữa hạt sen. Tương tự nếu xuất đường, thì tao biết định mức đường và phải phân bổ 100kg đường đó cho 3 sản phẩm. Việc tính giá thành loại hình DN này đơn giản chỉ cần tập hợp chi phí.
  • Phương pháp hệ số: Áp dụng cho DN sản xuất trong 1 quy trình cho ra nhiều loại sản phẩm khác nhau về kích thước (sản xuất gỗ, nhựa, cao xu, giầy dép, may mặc..)
Ví dụ:  DN sản xuất lốp xe cao su gồm: lốp xe Atila, lốp xe honda, lốp xe oto 5 tấn… DN tính định mức các lốp xe có giá trị như sau: lốp Atila có giá 300k, lốp xe honda có giá 150k, lốp xe oto 5 tấn có giá 1.5 triệu. Để tính giá thành ta quy đổi các lốp xe thành lốp xe honda như sau. Lốp xe atila = 2 lốp xe honda ( = 300k/150k); lốp xe oto = 10 lốp xe honda (= 1.5triệu/150k). Như vậy các hệ số 2, 10 thì đó là phương pháp tính giá thành theo hệ số. Chúng ta chỉ việc tính giá thành của lốp xe honda sau đó quy đổi ra các lốp xe còn lại.
  • Phương pháp phân bước: Áp dụng cho DN có quy trình sản xuất phức tạp, quá trình sản xuất qua nhiều giai đoạn. Như sản xuất xi măng, dệt, cơ khí…. Mỗi giai đoạn ta phải tính giá thành và áp dụng các phương pháp đơn giản, hệ số, tỷ lệ, định mức.. để tính.
Ở bài viết này chúng ta lựa chọn phương pháp định mức tỷ lệ là vì: Phương pháp này phổ biến, và sử dụng được phương pháp này thì sẽ sử dụng được các phương pháp khác. Vì tất cả các phương pháp đều phải xây dựng định mức sản phẩm. Sử dụng phương pháp tỷ lệ do DN sử dụng 1 nguyên liệu sản xuất ra nhiều sản phẩm (phương pháp đơn giản thì quá đơn giản không áp dụng được), và các sản phẩm khác nhau không quy đổi ra 1 hệ số, vì nguyên liệu thêm bớt khác nhau (không áp dụng phương pháp hệ số được). Nhưng tính giá thành theo phương pháp tỷ lệ vẫn áp dụng tính cho phương pháp đơn giản và hệ số được.
Ví dụ: Một doanh nghiệp tổ chức sản xuất sản phẩm A, song sản phẩm này bao gồm 2 quy cách sản phẩm (nhóm sản phẩm A1, và A2). Gía thành định mức của từng quy cách như sau:
Khoản mục chi phí Qúy cách A1 Quy cách A2
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp 300 250
Chi phí nhân công trực tiếp 22 18
Chi phí sản xuất chung 78 62
Tổng cộng 400 330

Chi phí sản xuất trong tháng dã được tập hợp, sau khi loại trừ chênh lệch sản phẩm dở dang đầu và cuối kỳ, ta có tổng chi phí sản xuất của cả nhóm sản phẩm như sau: Đơn vị tính: 1.000 đồng.
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: 630.000
Chi phí nhân công trực tiếp:         47.960
Chi phí sản xuất chung:               144.780
Tổng cộng:                                  822.740
Trong tháng DN đã sản xuất được 1.000 sản phẩm A1 và 1.200 sản phẩm A2.
Căn cứ vào các tài liệu trên, áp dụng phương pháp tỷ lệ, kế toán tính giá thành cho sản phẩm A cho từng quy cách như sau:
Tiêu chuẩn phân bổ của nhóm:
Khoản mục chi phí Qúy cách A1
( * 1.000 sản phẩm)
Quy cách A2
( * 1.200 sản phẩm)
Cộng
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp 300.000 300.000 600.000
Chi phí nhân công trực tiếp 22.000 21.600 43.600
Chi phí sản xuất chung 78.000 74.400 152.400
Tổng cộng 400.000 396.000 796.000

Tỷ lệ phân bổ giá thành theo từng khoản mục:
Khoản mục chi phí Tổng giá thành cả nhóm SP thực tế Tổng giá thành theo định mức Tỷ lệ tính giá thành
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp 630.000 600.000 1,05
Chi phí nhân công trực tiếp 47.960 43.600 1,10
Chi phí sản xuất chung 144.780 152.400 0,95
Tổng cộng 822.740 796.000 -

Bảng tính giá thành sản phẩm A1 (sản lượng 1.000)
Khoản mục chi phí Gía thành định mức theo sản lượng thực tế Tỷ lệ tính giá thành Tổng giá thành Gía thành đơn vị
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp 300.000 1,05 315.000 315
Chi phí nhân công trực tiếp 22.000 1,10 24.200 24,2
Chi phí sản xuất chung 78.000 0,95 74.100 74,1
Tổng cộng 400.000 - 413.300 413,3

Bảng tính giá thành sản phẩm A2 (sản lượng 1.200)
Khoản mục chi phí Gía thành định mức theo sản lượng thực tế Tỷ lệ tính giá thành Tổng giá thành Gía thành đơn vị
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp 300.000 1,05 315.000 262,5
Chi phí nhân công trực tiếp 21.600 1,10 23.760 19,8
Chi phí sản xuất chung 74.400 0,95 70.680 58,9
Tổng cộng 396.000 - 409.440 341,2
 

Bước 5: Tính giá thành trên MISA


>>> Xem ngay Clip tính giá thành trên MISA.

Thảm khảo:
>>> Xem ngay
Clip tính giá thành trên MISA.
>>> Xem ngay Hướng dẫn tự thành lập công ty chi tiết, tiết kiệm.



 

Tác giả bài viết: ketoanthuecat.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Dịch vụ thành lập công ty Nha Trang, Cam Lâm, Diên Khánh giá chỉ từ 990.000₫.

Ngoài ra còn tư vấn dịch vụ kế toán thuế Nha Trang, tư vấn pháp lý đúng quy định.
Bạn không có kinh nghiệm, không có thời gian, nhưng muốn đảm bảo mọi thủ tục thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác.
Bạn muốn được tư vấn chuyên nghiệp về các vấn đề liên quan đế thành lập công ty tại Nha Trang

---- HÃY LIÊN HỆ NGAY CHÚNG TÔI SẼ GIÚP BẠN ---
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
0901.869.879